Vành đai Sao Thổ | W. G. Sebald
VÔ NGÔN
Bài viết lấy ý tưởng từ câu chuyện “Lâu Đài Của Những Số Phận Giao Thoa” của Italo Calvino, khi những kẻ xa lạ gặp nhau trong một lâu đài giữa rừng vắng, được tiếp đãi ân cần, tất cả họ đều muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng tất cả họ bỗng nhận ra mình đã mất khả năng nói.
Không còn ngôn từ, chúng ta sẽ làm cách nào để hiểu người khác, hay để thể hiện bản thân mình?
Đối diện với tôi là 1 người đàn ông ngoại quốc. Dĩ nhiên vì ông là 1 nhà văn nổi tiếng nên tôi nhận ra ông là W.G. Sebald.
W.G. Sebald không thể nói. Ông lẳng lặng đặt lên chiếc bàn ngăn giữa chúng tôi 1 vật. Một cuốn sách. Cuốn “Vành đai Sao Thổ”. Ơn Chúa, ít ra thì tôi cũng đọc được tên sách.
Cuốn sách. Không khác gì 1 lá bài Tarot với những hoa văn, những biểu tượng, phổ quát và gợi liên tưởng. Tôi sẽ nhìn vào “lá bài” đặc biệt đó và tập trung giải mã nó.
[Tất cả phần diễn giải này đều xuất hiện trong tư tưởng của tôi. Bởi tôi cũng như tác giả, bị mất khả năng nói. Cũng bởi vậy tôi không cách nào biết những tư tưởng của mình có đi chệch đường ray hay không?]
Tựa sách Lâu đài của những số phận giao thoa - Italo Calvino
Ảnh: Mai Thy
- SAO THỔ
Một hành tinh trong Thái Dương hệ, ngôi sao đại diện cho Titan Cronus (hay Saturn theo cách gọi của La Mã). Cronus ám ảnh vì một lời tiên tri rằng một trong những đứa con của ông sẽ lật đổ ông để tiếm ngôi, bởi vậy vị Titan khủng khiếp này đã nuốt chửng những đứa con trai con gái của mình vào bụng ngay khi chúng vừa mới được sinh ra. Đây là 1 chủ đề được rất nhiều các họa sĩ tài năng tái hiện và nhờ vậy góp vui cho thế giới nghệ thuật rất nhiều tác phẩm đáng sợ: Người cha ăn thịt người con.
- VÀNH ĐAI SAO THỔ
Rõ ràng là một đường vành khăn khổng lồ bao quanh Sao Thổ, nhưng qua ống kính viễn vọng của các kính thiên văn, chúng ta nhìn thấy nó cong cong, bén nhọn như một lưỡi hái.
Lưỡi hái chính là vũ khí bất ly thân của Cronus.
Với chiếc lưỡi hái này, từ xa xưa, khi chưa có thời gian hiện hữu, Cronus đã chém phăng dương cụ của cha mình là Titan Uranus. Uranus quá bất ngờ, quá đau đớn vùng bỏ chạy, băng băng qua bầu trời. Máu từ vết thương chí mạng và hiểm độc ấy vương vãi khắp thế gian. Dương cụ của Uranus rơi xuống biển tạo ra nữ thần sắc đẹp Aphrodite.
Lưỡi hái đã giúp Cronus đánh bại cha mình, tiếm ngôi, trở thành Titan chúa tể, đứng đầu thế hệ thần già.
Đôi khi do góc nghiêng của Sao Thổ, nên nhìn từ phía Địa Cầu ta thấy dường như “lưỡi hái” của nó biến mất. Nhưng ta thừa biết, lại 1 trò đùa của thị giác, nó vẫn ở đó, chỉ là không hiện hữu trước mắt phàm bởi khoảng cách quá xa. Uranus không có lưỡi hái càng nguy hiểm hơn, đe dọa hơn bởi vẻ ngoài vô hại nhưng ẩn tàng sự khủng bố có thể bộc phát bất kỳ lúc nào.
- “LƯỠI HÁI”
Zoom lại một chút nào. Vành khăn đẹp đẽ quanh Sao Thổ khi được phóng lớn hóa ra chỉ là 1 bãi rác trôi nổi không hơn. Một khối hỗn tạp các vẩn thạch to nhỏ, bị cuốn cùng nhau theo một quỹ đạo bởi những trường lực có hướng vô hình. Cái đẹp đẽ khi nhìn từ xa, khi lại gần hóa ra lại khiến ta thất vọng tràn trề.
Ảnh: Hải Miên
- THỜI GIAN
Cronus chính là thần thời gian. Bởi vậy sự kiện khi Cronus còn là kẻ vô danh sát hại cha mình tôi mới lãng mạn hóa lên, nói rằng nó diễn ra khi thời gian chưa hiện hữu.
Từ khởi thủy của thời gian:
Cronus sát hại cha mình là Uranus
Zeus sát hại cha mình là Cronus
Zeus lại bị ám ảnh về lời tiên tri rằng ông sẽ bị lật đổ bởi một đứa con trong đàn đàn lũ lũ những đứa con của ông.
Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổi đấy.
Vết hằn của chiếc bánh xe lịch sử lôi kéo các sự kiện trượt vào rãnh để khiến cho những bi kịch cứ lặp đi lặp lại, giống hệt nhau.
Nhân loại quá khờ khạo ư?
[W.G. Sebald gõ tay lên bàn. Tiếng “cộp cộp” cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Ông chỉ vào 2 bức ảnh được in trên “lá bài” rồi chỉ vào mình, gật gật]
- ẢNH TƯ LIỆU
Đây là 2 bức ảnh tư liệu, có thể do chính tác giả chụp. Đúng kiểu chụp ảnh của những kẻ ưa đi đây đi đó. Tùy hứng chụp 1 bức hình chỉ bởi khung cảnh gợi lên cho bản thân chút cảm hứng, chẳng cần quan tâm đến nghệ thuật và bố cục. Bản thân mình thích là điều quan trọng nhất.
Cả hai bức ảnh đều nảy sinh trong lòng người xem cảm giác hoang vắng và cô đơn. Tưởng tượng người chụp đang 1 mình đối diện với không gian mênh mông ấy. Tưởng tượng người chụp như nhìn thấy thời gian ào ào lướt lưỡi hái hủy diện của nó, chém phăng đi những tàn tích của nền văn minh loài người. Tưởng tượng như thể thiên nhiên muốn nuốt chửng những di sản phi tự nhiên, nhỏ bé, bơ vơ kia.
- W.G. SEBALD
Bản thân người ngồi đối diện mình không phải kẻ kinh qua chiến tranh. Ông thuộc thế hệ các nhà văn hậu chiến. Cha ông từng là quân nhân phục vụ cho chế độ Phát Xít của Hitler. Ông trưởng thành và ngày ngày nhìn thấy những tàn dư của chiến tranh. Những bức ảnh tư liệu càng khẳng định “lá bài” của ông mang thông điệp hiện thực, nhưng tư tưởng của nó sẽ phức tạp, như câu chuyện về Titan Cronus - kẻ điều khiển thời gian.
[W.G. Sebald không gật đầu cũng không lắc đầu, bởi ông vốn chẳng đọc được những dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi nhìn nhau, im lặng. Chẳng phải sự im lặng, vô ngôn, tự nó đã truyền dẫn cả triệu ý tưởng hay sao? Mọi điều diễn giải nãy giờ bỗng nhiên thành ra dư thừa cả.
Im lặng, nhìn nhau, vậy là đủ.]
===
Những nội dung trên chính là 1 giấc mơ của tôi. Có lẽ do ảnh hưởng bởi tác phẩm của Italo Calvino tôi vừa đọc xong và tuyệt đối ấn tượng nên tôi có tưởng tượng kỳ quặc khi bắt gặp nhà văn quá cố người Đức trong thế giới riêng của mình. Chiếc bàn trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ như in, 1 chiếc bàn tròn, bằng gỗ, trên mặt bàn còn vương vãi nhiều lá bài Tarot của bộ bài Visconti. Người đàn ông đối diện đội mũ phớt, vành mũ khiến đôi mắt ông luôn ẩn sau một vùng xám mờ bí ẩn. Xung quanh chúng tôi mọi thứ đều bất động, như thể Cronus đã đóng băng thời gian nơi đây.
- Chia sẻ từ độc giả Đặng Xuân Lương
#Phanbook #Vành_đai_Sao_Thổ #W_G_Sebald