Vành đai Sao Thổ | W. G. Sebald
Nếu để dùng vài câu ngắn gọn, tóm lược về Vành đai Sao Thổ của Sebald thì tôi chỉ biết nói: cuốn sách mỏng (mỏng so với mấy cuốn dày xụ đợt này chứ cũng không mỏng lắm đâu) nhưng lại mặc rất nhiều lớp áo - mà mỗi lớp áo được lột ra lại biểu thị cho một điều gì đó, quá sức hiểu của bản thân. Thế nhưng thứ văn chương mượt mà, mặc định như chu trình quay của các ngôi sao khiến tôi cũng không hiểu được sức mạnh nào đã khiến tôi vẫn đắm chìm trong đó. Phải chăng cuốn sách cũng như Sao Thổ và tôi đã trở thành 1 trong những mảnh vỡ chạy vòng quanh nó để tạo nên cái Vành đai đặc trưng ấy?
VỀ SEBALD
Sebald là một trong những tên tuổi quan trọng của văn học Đức. Văn chương của ông mang hơi thở của "Holocaust" với sự chết chóc luôn hiển hiện, những chấn thương cả về tinh thần lẫn thể chất, những hình ảnh được chụp lại của sự đổ nát, sự tha hương của những chủng tộc giống loài...
Điều đáng buồn là những tác phẩm của Sebald được xuất bản ở Việt Nam không nhiều. Thể loại văn ông viết cũng không dễ dàng thu hút phần lớn độc giả ở một quốc gia vẫn chưa thuộc hàng có lượng đọc lớn. May mắn thay, khi viết đôi ba dòng về Vành đai Sao Thổ tôi đã tham khảo và hiểu được thêm khá nhiều. Tuy nhiên, những cảm nhận vẫn là cá nhân tôi, trải nghiệm của tôi, dù chắc chắn nó mới chỉ nằm ở tầng nổi của tảng băng những tri thức, tâm can mà Sebald viết ra.
VỀ VÀNH ĐAI SAO THỔ
Vành đai Sao Thổ được ra đời năm 1995, được coi là cuốn du ký, hồi ký khi Sebald đưa người đọc du hành cùng nhân vật tôi đi dọc bờ biển Đông Nam nước Anh, để thấy lại lịch sử - hiện tại của mỗi vùng quê tại bờ biển đó. Trải dài vùng biển Đông Nam ấy, người đọc chứng kiến sự hình thành của Đế chế Anh Quốc hùng mạnh cùng với sự mở mang đến càng vùng thuộc địa. Rồi từ đó ký ức giữa sự vị đại xen lẫn với những đổ nát theo bước chân của "tôi" khi đặt dấu chân in lên từng mảnh đất này.
Tựa đề Vành đai Sao Thổ mang cảm giác không liên quan nếu đọc nội dung Sebald viết. Tại sao lại là Sao Thổ? Tại sao lại là Vành đai Sao Thổ? Những câu hỏi đó vẫn quẩn quanh ngay cả khi tôi đọc được 1/2 cuốn sách. Theo Thiên văn học, Sao Thổ - tên tiếng Anh là Saturn trong thần thoại La Mã - ký hiệu thiên văn thể hiện cái liềm của Thần. Vành đai Sao Thổ là vành đai mở rộng nhất trong các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời, với hệ thống Vành đai hành tinh. Ở một góc nhìn khi soi chiếu Sao Thổ từ Trái Đất, vành đai này như hình lưỡi liềm với cán là Sao Thổ vậy. Nguồn gốc của Vành đai này được giả thuyết bởi sự đổ vỡ của các vệ tinh tự nhiên hoặc vật liệu sót lại của tinh vân. Dù theo giả thuyết nào, vành đai Sao Thổ cũng khiến người nhìn liên tưởng đến sự vụn vỡ và tam hoang. Điều này dường như tương đồng với ngôn ngữ của Sebald, nhất là cảm giác tồn tại từ trang đầu đến trang cuối của Vành đai Sao Thổ. Một sự đổ vỡ nhưng lại tạo nên vẻ đẹp kỳ lạ gắn kết giữa quá khứ với hiện tại.
NHỮNG VỤN VỠ CỦA VÀNH ĐAI
Đọc Vành đai Sao Thổ với 10 chương, 10 câu chuyện mà "tôi" dẫn dắt người đọc, trên hành trình du ký dọc bờ biển Đông Nam nước Anh mang lại cảm giác ban đầu là sự rời rạc. Nếu lấy vương quốc Anh là sao Thổ, mỗi chương - mỗi câu chuyện lại như 1 mảnh thiên thạch, một hành tinh bao bọc quanh nó. Bắt đầu từ tháng 8 năm 1992, một cuộc dạo quanh hạt Suffold "hy vọng sẽ xua tan được nỗi trống rỗng luôn chiếm ngự lấy mình mỗi khi hoàn tất một khâu việc dài hơi". Điều này mang đến cho tôi sự đồng cảm kỳ lạ, chúng ta luôn cần dịch chuyển để biết mình đang sống. Một khao khát giản dị cho một hành trình kỳ lạ.
Mỗi địa điểm, mỗi vùng đất mà đặt chân lên, "tôi" dẫn dắt người đọc đến những con người của thời đại. Quá khứ cứ như vẫn nằm đó, trong từng viên gạch, từng hạt cát, từng con cá trích nằm phơi bụng, bức hoạ The Anatomy Lesson của Rembradt, bản tổng hợp phổ biến ngành động vật học Thierleben của Brehn, lâu đài Somerleyton cho bức tường của Kurhaus, chiến dịch thanh tẩy 50 năm trước tại Bosnia trên tờ báo Independent on Sunday...Chỉ với 1/3 cuốn sách đầu, hàng loạt trang sử được Sebald diễn giải lại từ những vụn vỡ của hiện tại, từ chiếc tivi cũ trong khách sạn, ô cửa sổ nhìn từ phòng bệnh của ông, một bức ảnh trong tờ báo cũ.
Không chỉ dừng ở đó, sự thống trị của đế quốc Anh đến các thuộc địa, những ảnh hưởng ngược lại của Sao Thổ đến Vành đai của nó cũng dần được hé lộ trong hành trình "xua tan nỗi trống rỗng" của ông. Người đọc dạt đến những vùng đất Châu Phi xa lạ, vòng sang phương Đông với Trung Hoa kỳ bí, những chuyến đi mang danh "khai phá, truyền đạo"; đi cùng với sự luân chuyển hàng hoá - để từ đó giao thoa cả văn hoá, nghề nghiệp. Đến đây, tôi ngờ rằng Sebald đã dẫn tôi vào vòng xoáy của khoa học dưới dạng "hồi ký" của ông.
Và rõ ràng, dù đưa người đọc quay cuồng như thế nào, ông đều nhắc đến sự đổ vỡ, cái chết trong từng sự vật sự việc và câu chuyện của 10 chương ấy. Những hình ảnh ông đưa ra trong suốt Vành đai sao Thổ luôn mang vẻ kỳ dị, đôi khi là kinh dị và trần trụi từ minh hoạ cho đến mô tả. Sự hoang sơ trong các câu chuyện khiến tôi lạc vào việc phân định đây là Trái Đất hay quả thực ông đã lôi tôi lên Sao Thổ để ngắm cảnh cái liềm của Thần quay theo một chu kỳ, chu kỳ của sự huỷ diệt - tàn phá - vỡ vụn. Điều kỳ quặc là, cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua, hàng thế kỷ đã biến mất dập tan bao loài vật, sự việc thì lịch sử vẫn nằm đó. Những vệ tinh tự nhiên có đổ vỡ thì vẫn chịu sức hút của Sao Thổ, quay xung quanh nó, tạo nên hình lưỡi liềm của Saturn.
MỘT TÁC PHẨM CỦA SỰ GỢI NHỚ
Có một điều khiến tôi sợ Vành đai Sao Thổ, hay đúng hơn sợ Sebald đấy là, khi đoc tác phẩm của ông tôi luôn bị ám ảnh sang tác phẩm khác. Tôi nhìn thấy Vào một đêm không trăng của Đới Tư Kiệt trong sự hoang tàn của "Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và sự khai mở Trung Hoa". Tôi quay lại cảm xúc khi đọc Lụa của Alessandro Baricco khi tận hưởng sự mô tả của Sebald về Bướm tằm Bombyx, các thợ dệt lụa vùng Norwich. Đôi lúc tôi tưởng lầm tôi đọc cuốn sách khoa học khi say mê việc phân tích loài cá trích và đặc tính của nó suốt chương 2; hoặc là một bài giảng về lịch sử khi những cuộc chiến Vịnh Sole, Waterloo, cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, sự thất thế của Napoleon, lịch sử nội chiến. Và cuộc tình của Charlotte Ives mang sự cô đơn đặc trưng của văn học Nhật, ở một góc độ cảm nhận của riêng tôi.
KẾT
Trong vòng thời gian mà tôi dành để đọc Vành đai Sao Thổ, và chỉ mới kịp đi một vòng quanh nó, tôi thừa biết tôi không thể hiểu hết - hiểu đúng về những điều cô đơn, thứ Sebald đã đi tìm kiếm dọc con đường du ký suốt miền biển Đông Nam nước Anh. Tôi cũng biết, tôi cần đọc thêm - đọc lại - đọc tới rất nhiều những tác phẩm của ông, những sự kiện ông nêu ra để liên kết được hơn nữa và hiểu thêm chút nào về ông, về việc tại sao các tác phẩm của ông lại có sức ám ảnh như vậy dù không hiểu lắm. Nhưng mạnh dạn đọc, mạnh dạn tìm hiểu, mạnh dạn trải qua con đường trên Vành đai Sao Thổ của ông mang đến cho tôi kiến thức về khoa học, địa lý, lịch sử, nghệ thuật hội hoạ...Và như thế là đủ để đưa cuốn sách vào danh sách Phải đọc - và đọc nhiều lần!
- Bài review của bạn Twine Aquarius trong group Hội văn học kinh điển
Ảnh: Mai Thy