Về lại quê xưa, tìm bến cỏ hồng – PHANBOOK.VN

Về lại quê xưa, tìm bến cỏ hồng

Sau Đường về núi cũ chùa xưa hoài vọng những tiền nhân nay đã thành một phần hồn cốt Việt, Thích Phước An lại chong đèn cô hành trên một cuộc lữ khác. Ở đó ông lần bước tìm về một thế hệ của chính ông, của những tiếng thơ hiệp vần theo cuộc trầm luân dân tộc. Giữa những hiu hắt của cuộc lữ thứ ấy, ông bắt gặp “bến cỏ hồng” tâm tưởng được vun bồi từ quê hương Trung phần của lớp mặc khách cố tri Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện… những cuộc đời đã bước vào cõi huyền diệu, thinh không.

Đường về quê, hình như lúc nào cũng luống cảnh hiu hắt. Hạ Tri Chương chỉ còn tìm thấy giọng quê hay cố cảnh Kính hồ là nơi trú xứ sót lại của mình. Có lẽ ông vẫn may mắn hơn trước những tự vấn “biết quê nhà nơi đâu?” (hương quan hà xứ thị?). Quê hương khi tìm lại bao giờ cũng là cô xứ trong lòng mỗi người. Nhưng cô xứ ấy với Thích Phước An còn là quê hương tâm tưởng mà “từ lâu rồi, trên những nẻo đường lênh đênh, ta đã vô tình đánh mất”. Sở dĩ đường về quê luôn hiu hắt không chỉ bởi nỗi niềm riêng ta cô hành, đó còn là cảnh thức của sự tĩnh lặng và cô đơn để đối diện với chính mình, với những cuộc đời đã ngang qua quê hương tâm tưởng ấy, “chia sẻ một chút vui buồn trên hành trình đi tìm cái đẹp của họ”.

Nếu không đủ sự hiu hắt thinh lặng trong lòng, ông khó mà cảm thấu được những rét buốt gợn lên từ cuộc đời dâu bể của một trong Bàn thành tứ hữu - Quách Tấn. Đó là cái rét buốt “Nhớ thương tràn gió lạnh” của nỗi bơ vơ khi thao thức tìm về “núi cũ”, “chùa xưa”, cố thâu giữ những huyền tích, thoại thần mà lòng người hôm nay đã dần đánh mất núi non trong hồn mình. Phải mang lấy cảnh thức cô liêu hiu hắt đó, ông mới nhận ra “trong cô đơn heo hút”, Quách Tấn “mới lắng nghe hết cả cái buồn sầu thảm của vũ trụ mênh mông” là “Hơi thu tràn hư linh”, “Mây nước nhiễm phong trần”… Phải băng mình qua những điêu linh của thời cuộc, tác giả mới lần dở nơi Võ Hồng đối diện với chiến tranh là những trang viết “trầm tư thê thảm trước thân phận đau buồn của quê hương”. Đó là “một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã trở thành điển lệ, mà thù hằn đã trở thành khí giới phổ thông” nhưng Võ Hồng vẫn tin yêu và sống trọn cuộc đời hiền lành như cây cỏ: “Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của các cây héo, giấu giếm những cây gãy, mà không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay nở đầy cành”.

Ở Tuệ Sỹ, tác giả tìm thấy từng tiếng “vọng về cố quận khơi vơi” trong những đêm dài heo hút của hồn thơ đọa đày viễn mộng. Tuệ Sỹ ra đi khi tên tuổi ông là niềm hứng khởi cho sinh viên Viện đại học Vạn Hạnh, ông rời khỏi sự hiếu tri của công chúng Tư Tưởng dù ngòi bút vẫn đương tuôn tràn thác đổ. Cuộc ra đi đó để “về nằm hiu hắt trên đồi cao lộng gió của chùa Hải Đức” (Nha Trang) hay cày cuốc giữa núi rừng Vạn Giã. Ông lao vào cuộc lữ của riêng mình sau những năm tháng hậu chiến, mặc cho sự đọa đày của uy vũ cường quyền để giữ “cuộc thi gan tuế nguyệt diễn ra trong lạnh lùng cô tịch”: “Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng/ Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu”. Tuệ Sỹ “vẫn ray rứt, vẫn đau khổ, vẫn đặt thân phận của mình trong nỗi đau khổ của quê hương”: “Thơ ông vang lên những tiếng dội lạ lùng, khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời nhưng lại đượm những chân tình hoài vọng” nước nhà. Lắng nghe những tiếng réo gọi từ nội tâm sâu thẳm ấy, phải là người neo mình thiên thu cô tịch trong cơn bĩ cực của thời cuộc, trải qua những khoảng đời lê thê heo hút và đọa đày trong tình yêu con người mới tìm thấy được những lời đồng vọng day dứt này.

Đường về không chỉ cô tịch, mà chính quê hương tâm tưởng của những hồn thơ ấy cũng hiu hắt khôn nguôi. Đi hết cái hiu hắt ấy mới chạm đến được “bến cỏ hồng” trong quê hương của những hồn thơ hoang vu này. Bước ra từ cửa không, tác giả nhận ra “bến cỏ hồng” tâm tưởng của lớp tao nhân ngang qua đời ông đều thấp thoáng dáng hình của một mái chùa trầm mặc miên viễn.

“Bến cỏ hồng” trên quê hương của Quách Tấn không dừng lại những tiếng hoài vọng gửi vào thiên cổ. Ông tìm thấy khát vọng mà những Nước non Bình Định, Mộng Ngân Sơn, Đọng bóng chiều, Xứ trầm hương… hun đúc là một pháp môn. Thi ca, văn xuôi với Quách Tấn là “để giải thoát tâm hồn”. Trở về từ những lần ghé Bến Chợ (Nha Trang) để thăm Quách Tấn, hay khi rời khỏi cõi thơ cô tịch của ông, với tác giả “là tìm lại tiếng đập rộn ràng của trái tim vũ trụ: Ở đó thiên nhiên phơi mở”. “Bến cỏ hồng” ấy còn thấp thoáng bóng cây mận đã luống màu thiên niên, bởi “ai từng đọc thơ ông đều thấy, cây mận đã buộc chặt vào đời ông như hình với bóng”, nơi những thi nhân tiền chiến Tản Đà, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… tương ngộ. “Nó đã trở thành một tiểu vũ trụ riêng tư của ông” để “trốn gió, trốn mưa, trốn những cơn bão của tâm hồn”.
Đi vào “bến cỏ hồng” của cõi thơ Phạm Công Thiện, tác giả cho rằng tâm hồn của con người ấy “lúc nào cũng đều dậy lửa”. Bởi như chính ông bộc bạch: “Mỗi bài thơ là một sự hiện diện linh thiêng, làm bùng vỡ lên một sự trống vắng bao lao”, “mỗi nhịp thơ khai mở cả một thế giới bừng dậy”. “Mỗi cái nhìn là thiên thu vĩnh biệt, mỗi bước chân là trùng khơi vạn lý, mỗi giây phút trôi qua là tất cả thời gian và không gian biến mất”. Bởi lẽ sống trên cõi đời này ta luôn mang lấy “dáng dấp của kẻ lên đường”. Tri giao Phạm Công Thiện từ thời ấu thơ tu học, tác giả luôn tìm thấy một trực nhận mãnh mẽ trong Phạm Công Thiện mạch nguồn của Phật học tuôn chảy: “Bồ Đề Tâm như hố thẳm vì nó là sụp đổ tất cả các ác pháp”. Ý niệm đó đã gợi lên trong họ Phạm những Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm thời danh. Phạm Công Thiện đã “rời đồi cao chùa Hải Đức (Nha Trang) gần nửa thế kỷ” nơi mà: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Nhưng với tác giả, cuộc lữ thứ của Phạm Công Thiện dù bất cứ đâu trên mặt đất hoang vu này, “quê hương bến cỏ hồng” ấy luôn chất chứa “cái hoang vắng, tịch liêu của những buổi chiều vàng vọt”, “bám riết lấy cuộc đời anh” từ trú xứ đầu tiên bên mái chùa Hải Đức này.

Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng là sự trở về của những phận người tưởng chừng đã ly tán trong ký ức mịt mù của Thích Phước An. Đó là sự trở về với tiếng đồng vọng giữa những tâm hồn kẻ sĩ thâm u miên viễn cùng cuộc thế nhân sinh. Từ đồi Trại Thủy luống bóng cô liêu, Thích Phước An đã làm bừng lên “sự trống vắng bao la” khi đối diện với các nhân vật của ông. Đó không chỉ là sự trống vắng trên văn đàn Việt hơn nửa thế kỷ qua, mà còn là sự trống vắng cần thiết để trầm mình vào quê hương bến cỏ hồng của những tao nhân mặc khách này.

Phiên An
BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis