Tự truyện Edward Snowden: Bị theo dõi thường trực (kỳ 2) – PHANBOOK.VN

Tự truyện Edward Snowden: Bị theo dõi thường trực (kỳ 2)


Cựu nhân viên CIA Edward Snowden từng được yêu cầu "không giấu giếm bất kỳ bí mật đen tối nào".

Điều quan trọng nhất đối với Cộng đồng IC không phải là bạn hoàn toàn sạch 100%, vì nếu thế thì họ sẽ không tuyển được một ai cả. Thay vào đó, mục tiêu của họ là bạn phải thành thật như cái máy - bạn không giấu giếm bất kỳ bí mật đen tối nào mà thế lực thù địch có thể sử dụng chúng để chống lại bạn, và tức là chống lại cơ quan quốc gia. 

Dấu vết mỗi người trên mạng

Điều này, tất nhiên, khiến tôi phải suy nghĩ - trong lúc kẹt xe. Bao nhiêu khoảnh khắc trong đời mà tôi ân hận cứ quay cuồng thành một vòng luẩn quẩn trong đầu. Tôi không nghĩ ra được chuyện gì có thể khiến các nhân điều tra nhướng mày dù chỉ một li dù họ đã quen với việc phát hiện ra rằng một nhà phân tích tuổi trung niên nào đó của một tổ chức tư vấn chính sách nào đó thích mặc tã lót và bị bà ngoại bà nội quất roi da vào mông. 

Bìa sách BỊ theo dõi - Bí mật an ninh mạng. Ảnh: Phanbook.

Bìa sách "BỊ theo dõi - Bí mật an ninh mạng". Ảnh: Phanbook.

Dù vậy quá trình này vẫn tạo ra một nỗi sợ hoang tưởng, bởi vì bạn không nhất thiết phải là kẻ cuồng dục cố che giấu, đã từng làm những chuyện khiến bạn xấu hổ và sợ rằng người lạ có thể hiểu lầm bạn nếu những chuyện đó bị phơi bày.

Ý tôi là, tôi đã lớn lên trên Internet, lạy Chúa. Nếu bạn chưa từng nhập vào ô tìm kiếm một thứ gì đó đáng xấu hổ hoặc thô tục thì bạn là người sử dụng mạng chưa lâu lắm - mặc dù tôi không lo ngại về các nội dung khiêu dâm. Chẳng có ai mà không xem những thứ khiêu dâm, và với những bạn nào đang lắc đầu thì xin bạn đừng lo: tôi giữ kín bí mật cho bạn. 

Những lo lắng của tôi lúc đó mang tính cá nhân hơn, hoặc cảm thấy riêng tư hơn: vô số kênh truyền tải những lời lẽ ngu xuẩn kiểu ái quốc hiếu chiến mà tôi đã nói, và những ý kiến chán đời ghét người còn ngu xuẩn hơn mà tôi đã từ bỏ, trong quá trình lớn lên trên mạng. 

Cụ thể là tôi đã lo lắng về những cuộc trò chuyện trực tuyến và bài đăng diễn đàn của tôi còn lưu trên Internet, tất cả các bình luận cực kỳ ấu trĩ mà tôi đã tuôn ra trên hai chục website của dân chơi game và hacker. Viết dưới những cái tên giả có nghĩa là viết tự do, nhưng thường là thiếu suy nghĩ.

Và vì một khía cạnh chính yếu của văn hóa Internet thời kỳ đầu là tranh đua với người khác để nói điều kích động nhất nên tôi không hề ngần ngại bênh vực cho, chẳng hạn, việc đánh bom một quốc gia đánh thuế trò chơi điện tử, hoặc lùa hết những ai không thích phim hoạt hình anime vào trại cải tạo. Chẳng có ai trên các website ấy coi trọng những phát biểu đó một chút nào, chính tôi lại càng không.

Bị quá khứ trói chặt?

Khi tôi quay lại đọc những bài đăng ấy, tôi bỗng thấy xấu hổ. Một nửa những điều tôi đã nói thời đó tôi thậm chí còn không có ý đồ gì - tôi chỉ nói cho oai - nhưng tôi nghĩ mình không có cơ may giải thích trót lọt với một người đàn ông tóc xám đeo kính gọng sừng đang săm soi tập hồ sơ to tướng có dán nhãn THEO DÕI THƯỜNG TRỰC. Nửa còn lại, những điều tôi nghĩ lúc đó tôi nói là có ý đồ, lại càng tệ hơn, bởi vì tôi không còn là đứa trẻ ngày trước nữa. 

Tôi đã lớn. Hoàn toàn không phải là tôi không nhận ra tiếng nói ấy của chính tôi - chỉ có điều là bây giờ tôi lại hết sức phản đối những ý kiến hăng máu, quá khích kiểu đó. Tôi thấy mình muốn tranh cãi với một bóng ma. Tôi muốn chiến đấu với cái thằng tôi ngu ngốc, trẻ con và tàn nhẫn một cách vô tình mà bây giờ không còn tồn tại nữa. 

Tôi không chịu được ý nghĩ là "hắn" sẽ ám ảnh tôi mãi mãi, nhưng tôi không biết cách nào tốt nhất để bày tỏ sự hối hận của mình và ngăn cách "hắn" với tôi, hoặc thậm chí còn không biết là mình có nên cố gắng làm điều đó hay không.

Thật kinh khủng khi bị trói chặt bằng kỹ thuật, không sao thoát khỏi một quá khứ mà tôi hoàn toàn hối hận nhưng hầu như chẳng còn nhớ gì cả.

Đây có lẽ là vấn đề thường gặp nhất của thế hệ tôi, thế hệ đầu tiên lớn lên trên mạng. Chúng tôi đã có thể khám phá và thăm dò các đặc tính của mình mà hầu như hoàn toàn không bị ai giám sát, không hề nghĩ gì tới việc những lời nói bừa bãi và bông lơn báng bổ của mình được lưu giữ vĩnh viễn, và sẽ có ngày chúng tôi có thể phải chịu trách nhiệm cho những phát ngôn đó.

Tôi tin chắc rằng tất cả những ai có kết nối Internet trước khi có việc làm đều có thể đồng cảm với chuyện này – chắc chắn ai cũng đều có một bài đăng khiến họ mắc cỡ, hoặc một tin nhắn hay email có thể khiến họ bị đuổi việc.

Nhưng hoàn cảnh của tôi có phần hơi khác, ở điểm là hầu hết các diễn đàn Internet thời trước đều cho phép bạn xóa bài viết cũ của mình. Tôi có thể soạn một tập lệnh nhỏ bé - thậm chí không phải là một chương trình thực sự - và không đầy một giờ là tất cả các bài viết của tôi sẽ được xóa sạch. 

Đó sẽ là điều dễ làm nhất đời. Tin tôi đi, tôi đã định làm thế.

Xóa dấu bản thân?

Nhưng cuối cùng, tôi không làm được. Một cái gì đó cứ ngăn cản tôi. Làm như vậy đúng là không chính đáng. Việc xóa sạch mọi bài viết trên mạng của tôi không phải là chuyện phi pháp, và điều đó thậm chí cũng không làm tôi mất tư cách để được chứng nhận an ninh nếu như có ai phát hiện ra. 

Nhưng viễn cảnh phải làm điều đó cũng khiến tôi khó chịu như thường. Xóa sạch bài viết cũ chỉ càng củng cố thêm một số quy tắc có tính hủy hoại nhất của đời sống trên mạng: rằng không ai được phép phạm sai lầm bao giờ, và bất cứ ai phạm sai lầm đều phải chịu trách nhiệm mãi mãi. 

Điều quan trọng đối với tôi không phải là sự nguyên vẹn của những bài viết được lưu trữ mà là tâm hồn tôi. Tôi không muốn sống trong một thế giới mà ai cũng giả vờ rằng mình hoàn hảo, bởi vì đó là một thế giới không có chỗ cho tôi hay bạn bè của tôi.

Xóa những bình luận đó chính là xóa luôn việc tôi ngày ấy là ai, tôi đã từ đâu đến và tôi đã đi được bao xa. Chối bỏ cái tôi quá khứ của mình thì có khác gì chối bỏ luôn tính xác thực của cái tôi hiện tại.

Tôi quyết định để nguyên những lời bình luận đó và tìm cách sống chung với chúng. Thậm chí tôi còn quyết định rằng muốn trung thành thực sự với lập trường này thì tôi phải tiếp tục viết bài mới trên mạng. Theo thời gian, tôi cũng đã từ bỏ luôn những quan niệm mới này, nhưng động lực ban đầu của tôi vẫn không hề thay đổi, chỉ vì đó là một bước quan trọng trong sự trưởng thành của chính tôi.

Ta không thể xóa sạch những chuyện khiến ta xấu hổ, hoặc những cách thức mà ta đã tự làm xấu mặt mình trên mạng. Việc duy nhất ta có thể làm là kiểm soát các phản ứng của mình - ta có chịu để cho quá khứ đè nặng hay không, hay là chấp nhận những bài học của nó, lớn khôn lên, và đi tiếp.

Đây là điều đầu tiên mà bạn có thể gọi là một nguyên tắc đã nảy sinh trong tôi trong giai đoạn thất nghiệp nhưng nên người này, và dẫu nguyên tắc ấy hóa ra không dễ dàng gì, tôi vẫn cố gắng sống theo điều đó.

Tin hay không thì tùy, dấu vết duy nhất về cuộc đời trên mạng của tôi thời ấy mà đọc đi đọc lại vẫn không hề khiến tôi cảm thấy mình tệ hại, ngoại trừ một cảm giác hơi ngượng thôi, lại chính là lý lịch hẹn hò của tôi.

Tôi chắc rằng nguyên do là vì tôi đã viết các nội dung ấy với mong muốn rằng những lời lẽ đó thật sự có ý nghĩa - bởi vì toàn bộ mục đích của việc làm khó khăn này là để ai đó trong Đời Thật sẽ thực sự quan tâm đến chúng, và cũng chính là quan tâm đến tôi.


Còn tiếp...

(Trích từ sách Bị theo dõi của Edward Snowden)

Theo VnExpress.net

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục