MEKONG - PHÙ SA PHIÊU BẠT - KỲ 1: MEKONG - MẶT NGƯỜI – PHANBOOK.VN

MEKONG - PHÙ SA PHIÊU BẠT - KỲ 1: MEKONG - MẶT NGƯỜI

“Có bao nhiêu người trong các bạn biết sông Mekong là sông gì?”

Bốn cánh tay rụt rè giơ lên giữa lớp học có 30 học sinh ở thành phố Cần Thơ. Nhiều ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau. Tôi là người giảng trong buổi học hôm ấy.

Sự khờ dại đó là tôi nhớ đến những người đàn ông trả lời hờ hững rằng Mekong “nông hơn sông Đà” hoặc “cũng có khác gì sông Hồng đâu”.

Rất ít người ở miệt đồng bằng này biết họ đang sống trên hạ lưu dòng sông dài thứ bảy thế giới, như những đứa con Ấn Độ tắm trên sông Hằng, hay người thổ dân ẩn nấp sau những quãng xanh biếc của dòng Amazon kỳ lạ. Mekong là chuyến du hành dài thứ bảy và con người ở xứ sở này đã sống và tan rã bên cụm đỏ phù sa của nó.

Lần đầu tiên tôi chạm vào Mekong là trên một chuyến đi xe máy kéo dài suốt ba tuần, ngồi nhìn những con ca linh lấp lánh xếp mình trong rổ của người đàn bà, khi chồng bà kể tôi nghe giấc mơ của ông, nơi hàng triệu triệu con cá linh long lanh khỏa mình dưới dòng kinh bé mọn, vỡ bung bờ bao, để đón mùa nước nổi diệu kỳ ở cù lao Phú Tân này. Kể xong ông nói đó sẽ là chuyện cũ lắm, có thể chẳng bao giờ còn nữa, bởi đã lâu lắm rồi con nước đâu thèm nhớ đến ông và cái lạch cũ bên nhà. Rổ cá linh đó bà vừa mua từ chợ. Người chợ cũng lắc đầu mêu mếu nói cá linh sống mùa này đâu ra, đi mót mãi mới được ít nhúm ngoài đồng. Tôi không thể gặp được “đồng trắng nước” nghe được lộp độp đâu đó trong bài vọng cổ âm dài và vài quyển văn cũ.

Tôi đi rất lâu để gặp được đồng nước. Thời gian dài như cổ tích…

… Như ngày gặp ông Niwat Roykaew, trên một mỏm đất nhoi ra bờ Mekong. Chiều sụp tối. Dòng sông trước nhà là khối màu sáng cắt ngang hai bờ nhoi lên cao từng dải đồi. Chuyến xe muộn dừng ở thị trấn Chiang Khong, Đông Bắc Thái Lan. Người từ doi đất đi bộ ra, bắt tay và dắt tôi lên căn lều ngoài trời để bỏ hành lý. Từ lưng doi đất nhìn qua, bờ bên kia thẫm đen dần. Ánh đèm màu cam đậm và đỏ li ti phết lên.

“Bên đó là Lào, hôm nay mình ăn cá sông Mekong nhé. Cậu đi tắm đi”. Bạn thả tôi lại trong lều một mình, quấn chiếc khăn rằn vào hông và xắn tay áo xuống bếp - một cái lán gỗ chòi ra mép nước.

Phòng tắm nằm sát bên một gian phòng gỗ không cửa, có gắn biển “Thư viện”. Trong phòng có một kệ xếp đầy những quyển sách đánh giá nguồn thủy sản, các loài cây, số lượng loài biến động,... của các đại học Chulalongkorn, Chiang Mai và Bangkok, cùng với tạp chí về sông Mekong. Một kệ khác là sách về thủy điện. Những đánh giá về thủy điện ở Lào, đánh giá tác động môi trường về thủy điện ở Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Những quyển sách cũ hơn về thủy điện tại Trung Quốc, hệ quả môi trường, cơ chế khai thác nguồn nước lấy điện.

Một kệ sách sinh học, nhiều ảnh minh họa, có tiếng Anh, tiếng Thái về các loài ở sông Mekong, các loài cây, động vật trên cạn,... lưu trú trên dòng hoặc gần bờ. Ảnh các loài cá đủ màu sắc được nhét trong hộp đặt gần đó.

Thư mục sách văn hóa mô tả về lối sống ngư dân Lào, những sinh hoạt của người Burma, người Thái cạnh các đoạn sông biên giới, ảnh hưởng của Biển Hồ tới sinh hoạt tôn giáo của người Campuchia. Có một quyển viết về dòng chảy di cư của người phương Nam ở đồng bằng sông Cửu Long.

Quyển lịch treo gần cửa vào đánh dấu những ngày san sát nhau với nhiều tên người và ký tự khác biệt.

“Chúng tôi có tài liệu cập nhật từng tháng của cá trên dòng, do quỹ nghiên cứu của Hoàng gia cung cấp. Các nhà khoa học đến đây thu thập dữ liệu và ở đây, họ cũng chỉ nông dân cách tự đo lượng cá hàng ngày đánh bắt được.” -  Niwat bước vào thư viện, cười nheo nheo mắt và chỉ tôi lướt qua từng thư mục.

Người đàn ông gầy, tóc dài bạc phơ quá nửa, mặc bộ đồ nhuộm xanh điển hình của dân Thái vùng núi Chiang Khong. Ông nói tiếng Anh rành rọt, biết tiếng Lào và cả tiếng Burmese. Nơi tôi được ở nhờ đêm đó là Mekong School (trường Mekong), một giấc mơ từ thời trẻ mà ông Niwat theo đuổi đến tận bây giờ.

Những đứa trẻ lớn lên có thể không còn thấy Mekong nữa. Mỗi năm nước lũ thất thường như một cái bình đổ nước ra rồi hốt lại. Mùa hạn tàn bạo trôi qua, rong reo chết quéo trên bàn tay nông dân. Đói. Cái đói như trò đùa siêu thực của tự nhiên với hơn sáu chục triệu người đã sống hàng thế kỷ no đủ với dòng nước thuần thành. Con cá ông Niwat nướng và cầm lên cho tôi xem dưới ánh trăng nguyên tiêu chỉ bé bằng hai ngón tay. Người ngư phủ ngồi cạnh đã hơi ngà ngà, lầm rầm nói ngày xưa ông chẳng bao giờ phải bắt cá này ăn. Cá to hơn một cái mặt thớt. To hơn đùi người. To hơn cổ tay. Cá bé xíu lấp lánh đầy ám ảnh như con cá linh trong rổ của bà má An Giang vài năm trước. Tôi lùa chúng vào miệng, tưởng tượng về cánh đồng nước nổi.

Chiang Khong nằm sát Lào, biên giời là dòng sông. Tỉnh miền núi Đông Bắc Thái Lan này nổi tiếng với nghề cá, thu hái rong sông và du lịch. Người đến Chiang Khong như người đi trốn, đạp xe đạp xuống triền đồi mỗi sớm mai. Trời luôn xanh, nhà lát gỗ tấm màu nâu, xám xám giăng mắc một đoạn đồi. Sương trắng nhàn nhạt. Cây cỏ xanh ngập lời. Người cô đơn đến Chiang Khong để tìm ra ai đó thương mình, hoặc nhận ra bản thân thương cuộc đời biết bao nhiêu, khi gió lạnh, sông Mekong rì rào đổ gió, hay khi gặp những người Thái ngại ngùng cúi chào tạm biệt.

Trường Mekong nằm giữa vô vàn cảm xúc dày đặc. Ông Niwat chứng kiến những đứa trẻ con mình không còn biết gọi tên loài cá bắt lên từ dòng sông. Cá biến mất. Nước lên xuống như một trò đùa, có ngày con thuyền bị cuốn bứt dây vì nước mạnh. Ông tự tay xây lên một ngôi trường, đến từng trường đại học tìm những nhà nghiên cứu trẻ, xếp dần tài liệu vào thư viện. Mùa hè, thiếu niên ở Chiang Khong sẽ đến đây, ngồi quanh bàn dài học về các loài cá, về tập tục cha mẹ chúng từng tuân theo, về nước sông Mekong thất thường, và những buổi điền dã theo anh nghiên cứu sinh đi thu thập dữ liệu.

Đêm xuống, quanh bàn dài ngoài trời, ông Niwat đưa về Chiang Khong những nhà nghiên cứu từ tận Mississippi, từ Sesan, từ Trung Quốc,... để họ nói về cách con sông đang chết đi, về cách người ta đang đánh mất cộng đồng. Cá họ ăn mua từ một ngư dân. Rau cho bữa tối trồng trong vườn, do thanh niên và người già cùng trồng. Ông Chak gắp đọt rau non vào chén tôi, rau này ông hái trong buổi sáng đi chụp ảnh chim trên con đồi gần đó. Sông Mekong cho người Thái mọi điều hào phóng, đến ngọn cỏ cũng ngon miệng thơm lành.

“Tôi có một ước mơ, bất cứ đứa trẻ nào lớn lên muốn hiểu về sông Mekong của nó đều có thể tới đây, đọc sách, gặp người nó muốn. Tôi có thể chỉ dẫn những điều tôi biết.” - Ông Niwat đong đưa trên võng, say mèm, nói ngật ngừ mấy câu, rồi ngủ mất.

Khi bình minh gọi, tôi và người bạn chui khỏi lều. Vệt hơi nước sớm phết màu trắng che kín nhà cửa ở bờ sông phía Lào. Tiếng những băng nhạc tiếng Lào reo rắt từ bờ kia vọng sang. Cái chợ be bé lao xao có dáng người li ti qua lại sát bờ sông. Người Lào có đón bình minh giống người Thái không? Họ có ở nhà gỗ giống người Thái không? Họ có thấy những con cá đang bơi lao xao dưới mặt nước đục phù sa và có nghe tiếng con sông thở hắt đầy mệt mỏi như cách ông Niwat nghĩ về chúng? Họ có lịm dần đi trong cơn say đêm nguyên tiêu mà vẫn nghe tiếng hát “Me-nam Khong, dòng sông cũ và ngôi nhà gỗ xưa, nơi cha mẹ tôi ra đời, nơi ông bà nắm tay nhau”?

Khi bơi thuyền ra giữa dòng từ làng Chiang Khong, đám trẻ con tắm và chạy khắp doi cát mỏng phồng lên giữa mạch nước. Cát mịn bưng. Màu nâu nhạt đúng điệu phù sa cuối dòng Cửu Long. Doi đất một nửa lao xao như bãi biển, một nữa nứt nẻ không bóng người. Bùn dày đặc bên dưới, xiết chặt cổ chân khi sức nặng đè người lún xuống. Phần trên mặt nứt ra như mảnh gốm bể chân chim lan rộng tới khi tan vào nước. Bạn tôi bơi như cá nhỏ, trồi ngụp giữa làng nước không thấy đáy. Chúng tôi là đám đứa trẻ, đang tắm trên dòng nước hiện hữu cùng nhịp sống của sáu mươi lăm triệu sinh mạng người khác.

Đáy sông này là biên giới. Nó thiêng liêng đến mức người Lào không băng qua và người Thái không bước lại, nghiêm trang nhìn nhau từ hai bên bờ, muốn qua bên kia buộc phải có hộ chiếu. Và cũng là Mekong, hồn nhiên đến mức như vô số cá ngoài kia, chúng tôi tắm mát, bắt cá, chèo thuyền, hát hò và nhảy ùm xuống sông trong chiều muộn. Không có biên giới nào hiện hữu dù người lính biên giới bối rối nhìn kẻ giữa dòng đang mặc sức tận hưởng dòng sông. Không có cuộc đời nào bị cách chia như cách loài người tạo ra biên giới ở những phần khác trên địa cầu. Ở đây, Mekong là sông mẹ, mẹ của cả hai đứa con đôi bờ, của hàng triệu đứa con khác đã hàng nghìn năm lên xuống theo dòng nước.


(Trích từ cuốn sách Mekong - Phù sa phiêu bạt của Khải Đơn)

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục